Túi khí và dây an toàn bảo vệ người trên xe ô tô khi xảy ra tai nạn như nào?
Ngoài bộ khung xe chắc chắn, túi khí và dây đai an toàn là các trang bị nhằm bảo vệ cho người ngồi trong ôtô khi xảy ra va chạm.
Như đã biết, hệ thống nền tảng khung gầm là thứ quan trọng nhất bảo vệ người trong ôtô khi xảy ra va chạm. Kết cấu cứng chắc và thiết kế chịu lực đặc biệt của hệ thống khung gầm nhằm hấp thụ lực va chạm và tạo không gian cho người trong xe thoát thân. Nếu khung gầm không đủ tốt, các tai nạn có thể khiến chiếc xe thậm chí bị "cán phẳng" và thương vong là không thể tránh khỏi.
Lớp bảo vệ tiếp theo là hệ thống dây đai an toàn (seat belt) và túi khí (air bag). Mỗi thứ có một công dụng khác nhau và cần được hiểu cho đúng.
Dây ‘cứu hộ’ khi va chạm
Năm 1800, dây đai an toàn cho ôtô được phát minh bởi George Cayley. Sau hơn 100 năm, nhưng dây an toàn đầu tiên mới bắt đầu du nhập vào Mỹ, trở thành trang bắt buộc khi lưu thông. Tuy nhiên ở thời bấy giờ, chiếc dây an toàn 2 điểm lại không được ưa chuộng, thậm chí bị nhiều người dùng “thù ghét”.
Khi xảy ra va chạm, loại dây 2 điểm chỉ phân phối lực giảm tốc trên một vùng hẹp, không giúp cố định toàn bộ cơ thể, phần thân của người ngồi trên xe có thể được giữ yên, nhưng đầu sẽ lao về phía trước.
Dây đai an toàn 2 điểm (bên trái) và 3 điểm (bên phải). Ảnh: THC Auto.
Hiện nay, một số mẫu xe khách kiểu Ford Transit hay ghế giữa ở các mẫu ôtô con vẫn còn giữ trang bị dây đai 2 điểm. Trong khi đó, đa số đã chuyển sang mẫu dây đai tốt hơn, có khả năng phân tán lực khi va chạm hơn, dây đai 3 điểm.
Vào năm 1959, dây đai an toàn 3 điểm được nhà sản xuất ôtô Volvo phát triển, mở ra kỷ nguyên mới về trang bị an toàn cho xe 4 bánh. Những chiếc đai 3 điểm khắc phục toàn bộ khuyết điểm của mẫu dây tiền nhiệm, có thể đảm bảo giữ chặt người ngồi ở ghế lái nhờ việc thắt chặt từ vai xuống giữa rốn rồi choàng sang 2 bên cạnh ghế.
Dây được thiết kế hình chữ V sẽ vòng qua hông, đan chéo ở các bộ phận như vai, ngực và xương chậu, vừa không cầu kỳ lại thuận tiện khi thao tác bởi có thể tháo/lắp bằng một tay.
Cấu tạo chính của trang bị này chỉ bao gồm 2 bộ phận là khóa và dây đai. Đầu dây sẽ được gắn chặt vào phần khung xe, nối vào bộ phận cảm biến va chạm. Đầu còn lại lắp thêm chốt giúp người dùng có thể tháo lắp thuận tiện hơn.
Còn trên các mẫu xe đua F1, người lái thường được trang bị loại dây đai 6 điểm chứa công nghệ triệt tiêu ngoại lực, tương tự như ở máy bay chiến đấu. Việc sử dụng dây đai 6 điểm là quy định bắt buộc trong các cuộc đua F1.
Dây đai an toàn 6 điểm trên xe đua F1. Ảnh: F1 Insight.
Hai dây đeo vai, hai dây đeo xương chậu và hai dây ở chân. Một mặt, dây đai phải đủ mạnh để bảo vệ người lái khỏi va chạm. Mặt khác, dây bảo hiểm cũng phải đảm bảo rằng tay đua không bị thương bởi chính nó trong trường hợp khẩn cấp.
Dây đai an toàn được xem là chiếc phao cứu sinh trong nhiều vụ tai nạn nhờ cơ chế phân tán lực tác động. Trong trường hợp xảy ra va chạm, bộ phận cảm biến sẽ phát tín hiệu đến bộ điều khiển ở đầu dây đai nhằm tự động siết chặt, giữ cho người ngồi trong xe không văng ra khỏi ghế.
Khi đang di chuyển ở tốc độ cao mà bất ngờ gặp sự cố, đầu xe sẽ sở hữu cấu tạo sao cho dễ bị phá hủy. Lúc này, người ngồi trên xe thường sẽ lao về phía trước do quán tính. Việc cài dây an toàn cũng sẽ giúp bảo vệ phần đầu hay các bộ phận trên cơ thể khỏi việc va đập, giảm tổn thương lên các cơ quan.
Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), những người không thắt dây an toàn có nguy cơ bị văng ra khỏi xe khi xảy ra tai nạn cao gấp 30 lần. Ba trong số 4 người này đều tử vong vì vết thương quá nặng.
Báo cáo khác từ Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia tại Mỹ (NHTSA) cũng cho thấy trong các vụ tai nạn giao thông , người ngồi ở hàng ghế trước có thể giảm 45% nguy cơ tử vong nếu đeo dây an toàn và giảm hơn 50% khả năng thương tích nặng. Đối với chủ xe bán tải, nếu thắt dây an toàn đúng quy định cũng sẽ giảm 60% nguy cơ cơ tử vong khi xảy ra va chạm.
Người ngồi trước và sau đều có nguy cơ bị va đạp, văng khỏi ghế ngồi nếu không thắt dây an toàn. Ảnh: NSW Road Safety.
Ở nhiều quốc gia, đây là trang bị bắt buộc phải được cố định khi tham gia giao thông. Chủ xe có thế bị phạt tiền hoặc nhận án tù nếu không chấp hành quy định.
Ví dụ ở Mỹ, chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền 50-150 USD nếu không thắt dây an toàn khi sử dụng ôtô. Nếu ôtô có chở theo trẻ em, mức phạt dành cho người lái sẽ lên đến 450 USD, bị tịch thu tạm thời bằng lái xe hoặc bị giam giữ nếu xảy ra tai nạn giao thông.
Còn ở Anh, người lái khi không thắt dây an toàn có thể bị phạt hơn 500 Bảng Anh và nếu hành khách trên xe không thắt dây an toàn thì cũng phải chịu mức phạt tương tự.
Luật an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam cũng ghi rõ, mức phạt liên quan đến việc không thắt dây an toàn dành cho người điều khiển xe dao động 800.000-1.000.000 đồng, còn hành khách là 300.000-500.000 đồng.
Tại Việt Nam, thói quen sử dụng dây đai an toàn đã tốt hơn trong vài năm trở lại đây, đặc biệt ở hàng ghế trước. Tuy nhiên ở hàng ghế sau, hành khách vẫn chưa phổ biến thắt dây an toàn. Một số mẫu xe trang bị tính năng nhắc người trên xe cài dây an toàn ở mọi vị trí ngồi, nhằm đảm bảo an toàn khi xảy ra va chạm.
Túi khí tăng khả năng bảo vệ
Nếu dây an toàn là trang bị giữ cố định người ngồi trên xe khỏi việc va đập, túi khí chính là tính năng phụ, hay còn được gọi là SRS (Supplemental Restraint System - Hệ thống giảm va chạm bổ sung), một hệ thống giúp hạn chế va chạm bổ sung, nhằm bảo vệ hành khách.
Túi khí làm từ nylon sau đó bơm căng lượng khí nitơ vào bên trong, được đặt cố định ở nhiều vị trí xung quanh cabin như vô lăng, rèm hay cửa kính. Trong quá trình va chạm, tốc độ của xe cũng thay đổi, tác động lên các cảm biến, phát tính hiệu đến module điều khiển túi khí (ACM).
Túi khí ở vô lăng giúp giảm va đập cho người cầm lái. Ảnh: Car Magazine.
Khi đó, ACM sẽ chịu trách nhiệm tính toán mức độ của sự va chạm, sau đó lựa chọn vị trí “nổ” túi khí nhằm bảo vệ người ngồi bên trong.
Đa số ôtô hiện nay đều được trang bị túi khí dạng kép ở phía trước nhằm bảo vệ ngực và đầu của người lái nếu xảy ra va chạm trực diện. Ngoài ra, túi khí rèm cũng dần được trang bị nhiều hơn ở một số mẫu xe, ví dụ như dải sản phẩm của VinFast, Hyundai Palisade hay Ford Ranger.
Túi khí rèm sẽ thường được lắp ngay lớp lót ở cửa kính, sẽ bao phủ toàn bộ phần cửa khi xảy ra tai nạn. Loại túi khí này giúp bảo vệ người ngồi khỏi tác động từ bên hông hay va chạm ở vùng xương bả vai, cánh tay.
Túi khí gắn trên ghế thường xuất hiện ở các mẫu ôtô hạng sang từ thương hiệu Mercedes-Benz, Porsche hay Tesla. Loại túi khi này khi được “nổ” sẽ bảo vệ đầu của hành khách ở hàng ghế sau, tránh va chạm lên ghế phía trước nếu xảy ra sự cố.
Hiện nay, một loại túi khí “lai” dây an toàn khác cũng được phát minh, gọi là dây an toàn bơm hơi. Khi va chạm xảy ra, phần đai tiếp tục được thắt chặt, kết hợp bung túi khí nhằm phân tán lực tác động lên toàn bộ phần ngực và bụng, giảm nguy cơ chấn thương ở các vị trí này.
Dây an toàn " lai" túi khí. Ảnh: Digital Trends.
Với chi phí sản xuất cao, cách lắp đặt cầu kỳ, chắc chắn trang bị này không hề rẻ. Đây cũng là lý do khiến một số mẫu xe bình dân trên thị trường thường có số lượng túi khí khá hạn chế, dao động 4-6 túi. Tuy nhiên, số lượng không phải là yếu tố chính nói lên độ an toàn của trang bị này.
Vì là tính năng phụ trợ, túi khí sẽ hoạt động tốt nhất và chỉ có tác dụng nếu người ngồi trên xe cài dây an toàn. Bởi trong trường hợp tai nạn diễn ra, nếu không thắt dây an toàn, cơ thể sẽ lao về phía trước hoặc văng sang 2 bên, va chạm với túi khí đang nổ.
Đây được xem như một “bản án tử” với người ngồi bên trong bởi ngoài vụ “nổ”, họ còn phải đối mặt với tiếng ồn được hình thành từ phản ứng bơm nitơ, gây mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Túi khí gây ra nhiều "tác dụng phụ" hơn nếu người ngồi trên xe khôgn thắt đai an toàn. Ảnh: Koreabizwire.
Trên thị trường hiện nay tồn tại nhiều lại chốt khóa an toàn “giả” nhằm đánh lạc hướng hệ thống cảnh báo an toàn trên xe. Với các rủi ro kể trên, ta có thể thấy rõ việc sử dụng các loại chốt này không thể mang đến an toàn cho người lái hay hành khách, mà còn tăng nguy cơ tử vong và các chấn thương nghiêm trọng khác.
Nhìn chung, việc sở hữu một mẫu xe 4 bánh được trang bị đầy đủ dây đai an toàn cùng hệ thống túi khí có thể xem là một lợi thế ban đầu về an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên như đã đề cập, các hệ thống này chỉ hoạt động hiệu quả nếu người dùng tuân thủ các chỉ dẫn của nhà sản xuất, trong đó bao gồm việc thắt dây an toàn đúng cách.
Nếu tìm các mánh khóe để “qua mặt” cảm biến túi khí hay nhắc dây an toàn, thật khó để hình dung rủi ro gì có thể xảy ra trong trường hợp chiếc xe rơi vào một vụ va chạm nghiêm trọng.
(Nguồn: lifestyle.znews.vn)
xe mới về
-
Hyundai Elantra 1.6 AT 2016
385 Triệu
-
Honda Brio RS 2020
369 Triệu
-
Honda City 1.5TOP 2019
429 Triệu
-
Toyota Veloz Cross Top 1.5 CVT 2022
575 Triệu
-
Mazda 3 1.5L Deluxe 2022
529 Triệu
-
Kia Cerato 1.6 AT 2016
395 Triệu